Con đường thiền nhân

Người hành thiền là ai?

Thiền sinh: Học thiền và hành thiền
Thiền nhân: Học thiền, hành thiền, chia sẽ thiền và sống thiền giữa đời thiền.
Thiền sư: Bậc thầy trong thiền, hành thiền miên mật và sống đời tu tập.

5 điều cần làm của một thiền nhân

Thiền nhân là cách gọi khác của một người tu tập giữa đời thường, cũng giống như một Yogi, thiền nhân có lối sống tích cực và chỉ làm điều thiện, thuận theo tự nhiên và tuân theo nhiều kỉ luật, phẩm chất tốt. Để đạt kết quả tốt trong thiền, người hành thiền cần thực hiện 5 điều sau:

  • Tuân giữ giới
  • Tuân giữ luật
  • Cân bằng cơ thể
  • Nhận biết hơi thở
  • Làm chủ giác quan
1. Tuân giữ Giới: Đạo đức


Chúng ta hiểu rằng đạo đức là một phẩm hạnh mà bất cứ một ai trong chúng ta phải tuân giữ và sống với lối sống này nó bao gồm:

  • Giữ lời nói trung thực hoặc giữ im lặng nếu lời nói gây hại cho người
  • Ngôn từ trong sáng: không dùng từ ngữ mang tính châm chọc hoặc làm người khác tổn thương cũng như những từ ngữ gây hiểu nhầm và dâm từ.
  • Hành động khiêm tốn: không phô trương bản thân.
  • Không vô cớ gây sự: trong mọi hoàn cảnh, không gây tổn hại đến người khác.
  • Không tham của người khác, không ao ước và mong muốn đồ của người khác là của mình.
  • Không bất kính với bề trên và người lớn.
  • Không phán xét: Loại bỏ những thành kiến và định kiến, chỉ đưa ra những giải pháp để xử lý vấn đề và giải quyết triệt để vấn đề.

2. Tuân giữ Luật:

  • Giữ kỷ luật với chính bản thân: Thời gian, chế độ ăn uống, điều độ trong sinh hoạt
  • Hạnh phúc với cuộc sống: Với thái độ tích cực, cảm nhận hiện tại, sự công bằng trong mọi hoàn cảnh.
  • Luôn trau dồi và học hỏi: học với thái độ không tham kiến thức mà để trau dồi và phát huy, học cách chiêm nghiệm và phát huy tính sáng tao.
  • Tận tâm trong mọi sự: Khi làm một việc gì đó phải hết mình, lấy lợi ích chung làm đầu, gạt bỏ thói ích kỷ và tự cao, làm đến cùng.
  • Giữ sự tinh khiết cho tâm hồn: thông qua thực hành lối sống mỗi ngày


3. Cân bằng cơ thể:

Điều chỉnh và phục hồi các quan năng và chức năng trong cơ thể. Trong thiền thì rất cần một trạng thái giữ yên và bất động để tâm trí không bị sao nhãng và hệ thống thần kinh tạm thời được nghỉ ngơi, một số các asana được khuyến khích ví dụ: tư thế ngồi đơn giản (Sakasana), ngồi hoa sen (Padmasana), bán hoa sen (Ardha Padmasana). Các tư thế này hỗ trợ nhiều cho quá trình tọa thiền, đặc biệt là phần trụ cột cơ thể.

Tuy nhiên, việc rèn luyện cơ thể mỗi ngày luôn được ưu tiên, vì nó giúp chúng ta điều chỉnh những thói quen xấu và gia tăng sức chịu đựng cho cơ thể đạt hiệu quả tốt nhất.

4. Nhận biết hơi thở:

Hơi thở hay còn gọi là sinh khí, là một trong bốn con đường đưa năng lượng vào cơ thể.
Trong thiền việc quan sát hay nhận biết hơi thở rất quan trọng. Hơi thở được xem như là một đối tượng để an trụ tâm hay neo tâm lại để bình ổn tâm và tập trung tâm trí.

Quan sát hơi thở trong thiền là một kỹ thuật. Bao gồm các bước:

  • Thả lỏng cơ thể: Hơi thở sẽ được dẫn đi khắp cơ thể.
  • Thả lỏng tâm trí: Hơi thở chỉ được dẫn dắt bởi tâm trí thông minh và sáng suốt.
  • Không cố gắng quá sức với hơi thở: Hơi chỉ là một đối tượng để ta dễ hình dung và quan sát.
  • Chỉ đơn giản là hít vào và thở ra qua mũi.

Chú ý: Trong yoga có phép thở bằng bụng (pranayama) với kỹ thuật sử dụng cơ hoành, nhưng ta sẽ không đặt nặng quá kỹ thuật của phép thở này trong thiền.

5. Làm chủ giác quan:

Con người chúng ta có các giác quan để cấu thành nên những phản ứng của cơ thể và tạo ra những kỳ tích. Tuy nhiên cuộc sống mỗi ngày sẽ làm cho chúng ta trở nên lão hóa và suy yếu kéo theo là những bệnh về giác quan như: lão hóa mắt, suy giảm khả năng nghe …

Người thiền trong quá trình hành thiền sẽ làm cho các giác quan này được nghỉ ngơi phục hồi, quá trình thực hành thiền thường phải thu các giác quan lại và kiểm soát nó tránh để cho các tần sóng ảnh hưởng lên giác quan. Đây là bước để chuẩn bị cho quá trình tập trung, thiền, định. Ta gọi đây là giai đoạn của sự: tĩnh lặng và quan sát. Các bước cần làm:

  • Mắt: học cách nhìn nhận và quan sát trong mọi việc, nhìn nhận mọi việc bằng “con mắt nội tâm”.
  • Tai: Lắng nghe mọi thứ bằng con tim của mình để thấu hiểu mọi việc.
  • Miệng: Im lặng trước khi nói và thông suốt trước khi trả lời.
Đây chỉ là ba việc cần làm của việc thu lại giác quan để tiến thêm một bước xa hơn gọi là Tập trung.
  • Tim: Lắng nghe những vấn đề bằng nội tâm, có câu nói như thế này: “khi cái đầu bối rối hãy lắng nghe con tim mách bảo”
  • Làn da: Hay còn gọi là xúc giác, đôi khi phải dùng đến toàn thân để cảm nhận, nên phải chăm sóc cơ thể kỹ lưỡng.

7 bước trong hành thiền

Theo Master Sridevi Tố Hải, một người được xem là trưởng thành trong thiền phải đi qua 7 bước Học-Hành-Trải-Nghiệm-Ngộ-Thiền-Định.  Các bước này không nhất thiết phải theo thứ tự từ 1 đến 7 và đôi khi các bước diễn ra song song. Quan trọng nhất là người hành thiền phải biết mình đang ở đâu và không ngừng quan sát, tinh tấn tu tập.

1. Học

Con người chúng ta sinh ra “nhân chi sơ, tính bổn thiện” có một nguồn năng lượng tinh khiết và như một tờ giấy trắng, tục ngữ Việt Nam có câu tục ngữ như sau: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, tất cả mọi việc đều phải lấy sự học làm đầu, và nếu đặt chúng ta vào môi trường nào chúng ta cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường đó. Chính vì thế bước đầu tiên là phải học vì phải chọn được môi trường tốt hơn để ươm mầm những khả năng bên trong mình và bất kỳ ai muốn hướng tới sự thành công đều phải bắt đầu từ việc học. Bạn đang là một thiền sinh nên việc đầu tiên của bạn chính là học để bắt đầu vào một cuộc sống thiền.

2. Hành

Hành là quá trình luyện tập tới lui mỗi ngày để đạt đến mức độ thẩm thấu và thông suốt về những giá trị bài học, quá trình này có thể có đúng và có sai, thành công hoặc thất bại nhưng chỉ cần bạn vững thì bạn sẽ được tôi luyện. Cuộc đời sẽ luôn có những bài học để cho bạn thực hành và hãy nhớ, bài học sau sẽ luôn năng hơn, thử thách hơn bài học trước, vì vậy bạn cũng nên có tâm lý để thực hành tốt.

Năm bước để thực hành tốt:

  • Sống trọn vẹn mỗi ngày.
  • Làm tốt nhất trong khả năng và tận tâm.
  • Sống chân thành và thực hành yêu thương.
  • Luôn bắt đầu một ngày mới với việc: thức dậy sớm, tập một bài yoga hoặc ngồi thiền 15-30 phút
  • Trở thành người quan sát để chủ động trong mọi tình huống và nếu có thể hãy chuyển hóa tất cả mọi vấn đề đến trong ngày với bạn.

3. Trải

Trải là một bước tiến xa hơn trong việc thực hành. Vẫn là hành, nhưng lúc này không còn là thực hành những bài học mà chuyển sang thành hành động rõ ràng và cụ thể nó giống như là bạn đang học một bài hát, đầu tiên là bạn luyện âm, thuộc lời… Sau đó bạn tự thực hành nó mỗi ngày bằng cách như ghi âm, lập đi lập lại cho đến một ngày bạn thực thụ hành động, bạn biểu diễn ở một chương trình nào đó, cái đó gọi là trãi. Hoặc như một vận động viên chạy điền kinh, đầu tiên anh ta sẽ học cách chạy sao cho đúng kỹ thuật, và bảo vệ cơ thể sau đó anh ta sẽ thực hành chạy ngắn, chạy dài, chạy nước rút và sau cùng anh ta cứ thế mà chạy bỏ qua tất cả mọi thứ, chỉ đơn giản là chạy. Trong thiền cũng thế, lúc này đây bạn không còn là một thiền sinh mới chập chững với những bài học hoặc những bài chia sẻ, việc bạn thực hành mỗi ngày: 5 phút, 10 phút, 30 phút từ đó tạo cho bạn một thói quen. Thói quen này cần được duy trì để thúc đẩy bạn phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn sau đó. Lúc này, nó không đơn thuần là một thói quen nữa mà trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày của bạn.

4. Nghiệm

Nghiệm là một quá trình đúc kết, những gì mà bạn đã trải qua.
Nghiệm gồm những ý sau:

  • Kinh nghiệm: là những việc bạn đã làm qua và giờ nó làm cho bạn quen thuộc hơn, và nếu khi gặp lại một việc tương tự bạn sẽ có phương pháp để xử lý tránh lặp lại nó gần nghĩa với việc trải nghiệm.
  • Suy nghiệm hoặc chiêm nghiệm: là việc bạn tập trung cho một vấn đề nào đó cụ thể để tìm ra ý nghĩa và thông suốt vấn đề đó.
  • Thu nghiệm hoặc nghiệm thu: là việc bạn kiểm tra hoặc thu lại một kết quả mà bạn đã làm.
  • Quá trình chiêm nghiệm và đúc kết giúp cho ta nhìn nhận lại mình và học được nhiều bài học quý báu từ thực tế  mà không người nào hay quyển sách nào có thể dạy bạn.

5. Ngộ

Ngộ được dùng để chỉ sự “nhận thức”, “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt”. Nhận thức ở đây không phải là sự hiểu biết thông thường, hoặc nhận thức theo các hệ thống triết lý, mà chính là sự trực nhận chân lý, viên mãn. Một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là “Kiến tính” (kinh nghiệm mới đầu). Ngộ thường được dùng để chỉ cái kinh nghiệm trong thức tỉnh về một chân lý nào đó. Người đã ngộ cần tu tập thêm để đạt đến mức độ toàn vẹn. Đối với người mới hành thiền, các ngộ có thể đến từ những việc rất đơn giản. Dần dần, khi độ tịnh tâm càng cao, trí tuệ càng phát triển, người hành thiền sống giữa đời thường ngày càng ngộ ra nhiều chân lý hơn.

6. Thiền

Đến giai đoạn này, thiền không phải là kĩ thuật thiền, là ngồi im nhắm mắt mà thiền lúc này đã trở thành tự nhiên, bản năng trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta. Tâm ta luôn nhìn mọi vật, mọi việc với sự quan sát, tỉnh thức, nhận biết và không phán xét.

Thiền là trạng thái nhất tâm. Hay là trạng thái tâm vắng lặng trước sự vật, hiện tượng xảy ra trước mặt hay xung quanh ta. Đến giai đoạn này tùy vào từng trải nghiệm và giác ngộ của mỗi người mà có cách sống và thực hành khác nhau. Ở trong thiền sẽ chia làm nhiều giai đoạn: thiền sinh, thiền nhân và thiền sư, tùy vào từng mục tiêu và định hướng của mỗi người mà sự trưởng thành sẽ khác nhau.
Trong thiền không có thiền giỏi hay xuất sắc mà chỉ dùng từ “Trưởng thành” để miêu tả trạng thái của mình

7. Định

Là trạng thái của sự phục lạc và viên mãn trọn vẹn, cảm nhận sự hạnh phúc và bình an trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Trong định bạn sẽ luôn tràn ngập năng lượng tích cực để có một cuộc sống trọn vẹn, không có nghĩa là bạn không gặp những việc không như ý muốn trong cuộc sống nhưng bạn sẽ dễ dàng vượt qua những điều đó vì bạn hiểu và luôn có những cách để giúp cho bản thân của mình.

Những cách để luôn giúp cho bản thân bình an:

  • Tư duy tích cực mỗi ngày.
  • Ăn vừa đủ no.
  • Không nghe, đọc những chuyện không mang lại những giá trị thực tế hoặc những bài học cho tâm hồn.
  • Luôn giữ lời hứa và chữ tín.
  • Quan niệm đúng sai không quan trọng mà là làm thế nào để có kết quả tốt.
  • Yêu nhiều, ghét ít chia sẽ nhiều
  • Đầu tư cho việc học và các mối quan hệ thân thiết.
  • Hãy nhớ chỉ khi chúng ta vui vẻ và hạnh phúc thì những người xung quanh ta mới vui vẻ và hạnh phúc.

Đinh: là một trạng thái chín muồi của thiền, hay còn gọi là trạng thái đạt được trong thiền, là điều mà bất kỳ một vị hành giả nào cũng muốn hướng tới, gọi là một trạng thái hạnh phúc vô tận, bình an vô hạn. Nhưng có một điều là khi đạt tới điều này thì lại ít người nhắc về trạng thái này.

Ở giai đoạn này, các hành giả thường có chung một đích đi và lối sống nên chúng ta thường cậm nhận năng lượng tích cực và yêu thương từ những bậc này.

Lược sử Thiền học và các trường phái Thiền
Định nghĩa và lợi ích của Thiền

Trích "Thiền Khí Tâm" - Master Sridevi Tố Hải

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.