Định nghĩa và lợi ích của Thiền

Định nghĩa thiền

Thiền hay còn gọi là Dhyana (tiếng Phạn), Jhana (tiếng Pali), Ch’an (tiếng Trung), Zen (tiếng Nhật) là phương pháp thanh lọc  tâm để có được sự bình ổn trong tâm và một trí tuệ sáng suốt. Thiền còn là một lối sống tích cực, thuận theo tự nhiên và tỉnh thức trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành động đang ở hiện tại.

Theo từ điển tiếng anh Oxford, thiền là sự thực hành suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành an tịnh.

Và theo từ điển Cambridge, thiền là hoạt động hướng sự tập trung của bạn vào một đối tượng (có thể là một hoạt động mang tính chất tôn giáo hoặc một phương thức nào đó để được trầm tĩnh và buông xả).

Theo thuật ngữ Yoga, Thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không có gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về Ý Thức Vũ Trụ.

Tóm lại thiền là sự gom tâm, trụ tâm vào một đối tượng duy nhất tại mỗi thời khắc hiện tại để giảm sự phân tán, dao động của tâm, giảm căng thẳng cho bộ não. Vì tâm của chúng ta được ví như một con khỉ, không bao giờ ở yên mà luôn suy nghĩ quá nhiều, từ việc nọ sang việc kia, lan man, bất tận và đôi khi suy nghĩ không cần thiết, không đúng lúc cũng làm hao tổn năng lượng tâm và bộ não. Hay chúng ta tưởng tượng, tâm của chúng ta như mặt nước hồ. Nếu mặt hồ luôn gợn sóng  và vẫn đục thì ta không thể nhìn thấy dưới đáy hồ có gì. Nếu mặt hồ yên ả và trong veo thì ta có thể thấu suốt tận đáy hồ. Tâm của chúng ta cũng vậy , luôn đầy ắp suy nghĩ, lo âu, căng thẳng, giận hờn, như thế ta không thể nào đủ sáng suốt và định tĩnh để giải quyết mọi việc sáng suốt trong trạng thái bình an và khỏe mạnh. Và thiền đơn giản là cách làm cho tâm ta vắng lại, cho mặt hồ tĩnh lặng hơn thôi.
“Thiền là nhận biết trên từng hành vi của bạn ở thời điểm hiện tại, là con đường trở về ngôi nhà tâm thức của chính mình, là nhận biết chính mình, là vô tư như trẻ nhỏ” – Master Sridevi Tố Hải
“Bất kỳ ai ngắm nhìn mặt trời lúc hoàng hôn hay chiêm ngưỡng một bức tranh nghệ thuật mà cảm thấy trầm tĩnh và nội tâm thanh thoát đều ít nhất thưởng thức gia vị của thiền”

Lợi ích của Thiền

Một thiền sư đã nói: “Mọi khổ đau thể xác đều phát xuất từ phiền muộn trong tâm trí. Mọi phiền muộn trong tâm trí đều phát xuất từ sự non nớt của trí tuệ. Sự non nớt của trí tuệ phát xuất từ sự thiếu hụt năng lượng tâm linh và trí tuệ tâm linh. Thông qua thiền, khi chúng ta tiếp nhận dồi dào năng lượng vũ trụ và trí tuệ tâm linh, trí tuệ trở nên thuần thục. Dần dà, mọi phiền muộn trong tâm trí dừng lại. Kết quả là, mọi đau khổ thể xác biến mất. Thiền là cách duy nhất để chữa lành mọi bệnh tật ”.
Thật vậy, nếu chúng ta hiểu “Hạnh phúc tại tâm” và “Tâm bệnh dẫn đến thân bệnh” thì chúng ta sẽ hiểu rõ việc giữ cho tâm mình luôn an ổn và tích cực là điều vô cùng quan trọng, quyết định phần lớn hạnh phúc và sức khỏe của một người. Và thiền là một trong những phương pháp giúp trị liệu cho tâm một cách tự nhiên và mang lại nhiều lợi ích.

Về mặt cơ thể

Thông qua việc quan sát trong khi tập thiền, sau một thời gian chúng ta sẽ có sự cảm nhận hơi thở và cơ thể mình tốt hơn từ đó điều chỉnh một số những khiếm khuyết cơ thể và duy trì một thể chất khỏe mạnh.

Thiền giúp thúc đẩy sản xuất serotonin trong cơ thể của bạn, làm cho tâm trạng của bạn vui vẻ hơn. Khi bạn thiền định kỳ vào buổi sáng, bạn sẽ thấy cơ thể tràn đầy năng lượng.

Thiền giúp cơ thể được nghỉ ngơi. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, mức độ miễn dịch tăng lên. Thiền mỗi ngày khiến mức độ miễn dịch cũng ổn định và giúp cơ thể ngăn chặn rất nhiều bệnh.
Nếu bạn bị huyết áp cao, thiền hàng ngày là một ý tưởng tốt vì nó sẽ giúp rất nhiều trong việc ổn định huyết áp. Thiền giúp bạn bình tĩnh, thư thái và làm giảm áp lực. Từ đó, khiến bạn không bị tăng huyết áp.

Khi bạn đang tức giận hoặc lo lắng, cơ thể bạn rất căng thẳng. Bạn có thể đau đầu hoặc đau bụng. Nhưng khi bạn thiền hàng ngày, bạn sẽ bớt lo lắng, tâm trạng thoải mái hơn và những cơn đau cũng ít xuất hiện hơn.

Về mặt tâm trí:

Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của thiền là giảm căng thẳng. Không chỉ vậy, thiền cũng giúp thư giản tâm trí. Thiền giúp bộ não chúng ta được nghỉ ngơi thật sự và giúp có giấc ngủ ngon hơn.

Với hơi thở làm gốc, và cơ thể là một công cụ, quá trình thiền mỗi ngày sẽ giúp cho tâm trí luôn tươi mát, định tĩnh, sáng suốt và là cơ sở để cho trí tuệ có cơ hội được nảy mầm.
Thiền cũng giúp bạn tập trung và không suy nghĩ về  quá nhiều việc cùng một lúc. Rất có thể, bạn sẽ nghĩ ra cách giải quyết cho các vấn đề sau khi thiền.

Về mặt tinh thần:

Thiền là một quá trình chuyển biến từ bên trong. Thông qua thiền tập, người hành thiền có khả năng nhận biết mọi việc diễn ra xung quanh trong trạng thái tỉnh thức và dần cảm thấy bản thân mình bình tĩnh hơn, tập trung hơn từ đó nhìn nhận mọi việc trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn. Khi tâm của một người có thể đạt được sự tĩnh lặng và quan sát được mọi việc, bản thân người tu tập dần có một cuộc sống tinh thần phong phú, cởi mở khoáng đạt hay còn gọi là sự “ngộ” trong cuộc sống hàng ngày.
Kết quả hành Thiền sẽ khác nhau do khả năng tập trung tư tưởng của mỗi người. Điều nay phụ thuộc vào căn cơ và các điều kiện trợ duyên khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp… Thiền được xem là một liệu pháp bổ sung được dùng song hành với các biện pháp chữa bệnh chính thống khác. Do đó việc gia giảm hoặc thay thế các loại thuốc trong việc điều trị phối hợp với Thiền cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Thiền có nhiều lợi ích trong việc  giảm căng thẳng về tâm lý, nhưng không phải là phương pháp điều trì đối với bất kỳ vấn đề sức khỏe cụ thể nào. Thay vào đó, nó giống như một hành trình để nâng cao nhận thức và có được cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của chúng ta. Đây chính là lợi ích lớn nhất của thiền.
Trích "Thiền Khí Tâm" - Master Sridevi Tố Hải

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.